Theo tờ Financial Times, cứ 4 hoặc 5 năm, các công ty công nghệ lớn như Amazon, Google và Microsoft lại nâng cấp hệ thống thiết bị lưu trữ của họ một lần. Tuy nhiên, thay vì xoá sạch dữ liệu bên trong các thiết bị lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu theo cách bảo mật nhất thì họ lại đem chúng đến những cơ sở tái chế, bỏ vào máy nghiền.
Theo ước tính, mỗi năm có hàng chục triệu ổ cứng cũ bị cho vào máy nghiền, huỷ bỏ hết giá trị sử dụng về sau.
Kết hợp với những tập đoàn công nghệ khổng lồ là những ngân hàng, cơ quan cảnh sát và các tổ chức chính phủ nên chỉ cần để lộ một chút xíu thông tin bảo mật bên trong những ổ cứng ấy thôi cũng sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn về mặt pháp lý. Ngoài ra, việc để lộ thông tin cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các hãng công nghệ.
Tháng trước, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đưa ra án phạt 35 triệu USD đối với Morgan Stanley vì không có những biện pháp xoá dữ liệu một cách bảo mật khi thanh lý ổ cứng cũ trong các hệ thống data center khiến thông tin của hàng triệu khách hàng bị rò rỉ.
Chi phí để xoá dữ liệu rồi bán thanh lý ổ cứng là quá cao, trong khi đó đem đi huỷ vừa nhanh vừa rẻ.
Việc huỷ ổ cứng như vậy góp phần tăng khối lượng rác thải công nghệ đổ ra môi trường mỗi năm. Theo thống kê, có khoảng 57,4 triệu tấn rác công nghệ thải ra môi trường trong năm 2021. Ngoài ra, năng lượng mà các cơ sở tái chế và xử lý sử dụng cũng không hề ít.
Các chuyên gia cho rằng, huỷ hàng chục triệu thiết bị lưu trữ hàng năm là một lựa chọn rất không cần thiết. Bởi nhiều ổ cứng máy chủ và trung tâm dữ liệu đã qua sử dụng vẫn có thể sử dụng trong nhiều năm và tỷ lệ dữ liệu cũ đã bị xóa bị truy vết để sử dụng cho mục đích xấu là rất thấp.