Windows có hai tùy chọn để đưa PC của vào trạng thái “nghỉ ngơi” cũng như tiết kiệm điện năng, đó là “Sleep” và “Hibernate”. Có một số khác biệt chính giữa hai chế độ này, nhưng câu hỏi đáng quan tâm hơn cả là là tùy chọn nào thực sự khiến máy tính sử dụng ít điện năng nhất? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Sự khác biệt giữa Hibernate và Sleep
Trước khi chúng ta đi sâu vào câu chuyện tiêu thụ năng lượng, hãy nói về lý do tại sao hai chế độ này tồn tại riêng biệt. Không có chế độ nào đưa PC của bạn về trạng thái tắt hoàn toàn, nhưng cách thức chúng hoạt động cũng rất khác nhau.
Về cơ bản, “Sleep” – Ngủ – là một “chế độ tiêu thụ điện năng thấp”. Khi chế độ này được kích hoạt, trạng thái hoạt động của PC sẽ lập tức được lưu trong bộ nhớ (RAM), nhưng hầu hết các thành phần khác trên hệ thống sẽ tắt. Đây là điều cho phép PC có thể nhanh chóng tiếp tục lại công việc khi bạn đánh thức nó. Hiểu đơn giản thì Sleep chính là một giấc ngủ trưa ngắn ngủi của PC.
Hibernate lại khác. Khi chế độ này được kích hoạt, trạng thái hiện tại của PC sẽ được lưu vào ổ cứng (ROM) thay vì bộ nhớ (RAM). Khi bạn bật lại PC, hệ thống sẽ tải lại toàn bố trạng thái đó vào bộ nhớ. Vì trạng thái được lưu vào ổ cứng, PC về cơ bản có thể tắt hoàn toàn trong khi vẫn có thể tiếp tục nơi bạn đã dừng khi bật nguồn. Tuy nhiên, sẽ mất một thêm chút thời gian để PC khởi động từ chế độ Hibernate so với Sleep. Đây cũng chính là ý nghĩa của từ hibernate – ngủ đông.
Nhìn chung, chế độ Sleep thường nên được sử dụng nếu bạn chỉ có ý định tạm dừng sử dụng PC trong một thời gian ngắn. Ngược lại, Hibernate sẽ phù hợp hơn cho các tình huống như đi ngủ vào ban đêm. Cả hai đều tiết kiệm năng lượng hơn so với việc bật PC khi không sử dụng.
Hibernate và Sleep, chế độ nào giúp tiết kiệm năng lượng hơn
Đến giờ có lẽ bạn đã có được câu trả lời: Hibernate giúp tiết kiệm năng lượng tốt hơn Sleep. Nhưng câu hỏi đặt ra là mức chênh lệch có thực sự đáng kể?
Các thử nghiệm chỉ ra rằng máy tính đang ở chế độ Hibernate sử dụng lượng điện năng tương đương hoặc nhiều hơn không đáng kể với khi máy tính bị tắt hoàn toàn. Như đã đề cập, đó là lý do tại sao phải mất nhiều thời gian hơn để hệ thống khởi động. Mặc dù về mặt kỹ thuật, PC vẫn ở trạng thái bật ở cả chế độ Sleep và Hibernate, nhưng chế độ Sleep cho phép PC thức dậy nhanh hơn, và điều này tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
Trong một thử nghiệm, người ta đã đã cắm PC vào một phích cắm thông minh có tính năng đo lượng điện năng tiêu thụ. Khi PC được bật nguồn, mức điện năng tiêu thị rơi vào khoảng 40W đến hơn 100W tùy theo từng tác vụ. Ở chế độ ngủ, con số này giảm xuống khoảng 4W. Trong khi với chế độ Hibernate, mức điện năng tiêu thụ chỉ còn 0,2W, thậm chí là 0W ở một số thời điểm.
Rõ ràng, cả hai chế độ đều tiết kiệm điện năng hơn so với việc bạn chỉ bật PC. Chế độ Sleep không sử dụng nhiều năng lượng, nhưng Hibernate thậm chí còn tiêu tốn ít hơn. Đó là chế độ bạn nên sử dụng để tiết kiệm năng lượng nhất. Thậm chí đừng bận tâm đến việc tắt PC.